Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Nguyên nhân gây viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn.
Lợi của người bệnh bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi chải răng, tổ chức chân răng lỏng, dễ chảy máu, kèm hôi miệng, người bệnh có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi răng .

 

 
 
I. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH:

Mọi người đều có thể bị viêm lợi, và yếu tố góp phần phổ biến nhất là thiếu chú ý đến vệ sinh răng miệng đúng cách. Nhưng các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ:
Nguyên nhân chủ yếu gây nên 2 loại viêm lợi trên chính là các mảng bám trên răng. Còn nguyên nhân gây nên vi khuẩn chính là:
- Không quan tâm tới vệ sinh răng miệng: Khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzym có khả năng phá huỷ sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng) và gây ra viêm lợi.
- Thuốc lá, rượu và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng: thuốc lá, rượu, đồ ăn ngọt, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh… sẽ gây nên những mảng bám trên răng, từ đó tạo thuận lợi cho bệnh viêm lợi tiến triển.
- Thường xuyên ăn thức ăn quá mềm: bạn làm cho hàm răng của mình lười hoạt động và làm cho cấu trúc bảo vệ răng yếu đi.
- Thay đổi hooc mon khi mang bầu: Có rất nhiều sự thay đổi hooc môn ở chị em trong giai đoạn bầu bí và theo cơ chế tự nhiên, sẽ làm giảm sức đề kháng của lợi đối với các vi khuẩn bám trên răng.
- Tụt lợi: khi lợi và răng không khít, các thức ăn và các mảng bám của răng sẽ nằm lại ở đây.
- Giảm tiết nước bọt: nguyên nhân là do tuổi tác, dùng các loại thuốc (chống trầm cảm, lợi niệu, histamin…) hoặc các bệnh làm giảm việc tăng tiết nước bọt, gây khô miệng, dẫn đến không loại bỏ được các mảng bám trên răng.
- Di truyền: Vi khuẩn gây viêm lợi có hại cho lợi của một số người này hơn một số người khác. Những người mẫn cảm với bệnh thường có cơ địa di truyền bị bệnh lợi.
- Thuốc: Một số thuốc làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng. Không có tác dụng làm sạch của nước bọt, mảng bám răng và cao răng có thể tích tụ dễ dàng hơn. Sự tích tụ này cũng làm tăng nguy cơ sâu răng. Hàng trăm loại thuốc chống trầm cảm và thuốc cảm lạnh có kê đơn và không kê đơn có chứa những thành phần làm giảm tiết nước bọt. Uống rượu cũng làm giảm tiết nước bọt.
- Tiểu đường: Người bị tiểu đường không kiểm soát được hoặc kiểm soát kém dễ bị bệnh lợi hơn. Tiểu đường làm mạch máu dầy lên, giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng đến mô lợi và mang chất cặn bã đi. Điều này làm cho lợi bị yếu và dễ nhiễm khuẩn.
- Thai nghén: Thay đổi hormon trong thời kỳ mang thai làm cho lợi mẫn cảm với tác động gây tổn thương của mảng bám.
- Giảm miễn dịch: Một số bệnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến bệnh lợi.
Nếu bạn tăng nguy cơ bị viêm lợi, làm sạch mảng bám răng hàng ngày là đặc biệt cần thiết. Bạn cũng cần đi lấy cao răng thường xuyên hơn. Hãy hỏi nha sĩ để có những lời khuyên.
 
II. CÁC GIAI ĐOẠN DIỄN BIẾN CỦA BỆNH:

    Giai đoạn đầu :  lợi có thể bị đỏ, sưng phồng lên và rất dễ chảy máu nhất là khi đánh răng. Trong giai đoạn này, lợi có thể bị sưng tấy nhưng răng vẫn bám chắc trong lỗ chân răng. Không có các tổn thương về xương hoặc mô nào khác. Bệnh viêm lợi giai đoạn đầu có thể chữa được nếu người mắc bệnh có các biện pháp khắc phục đúng cách, trong đó bao gồm việc đánh răng và xỉa răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa.
    Giai đoạn hai : Nếu lợi đã bị viêm mà không chữa trị và chăm sóc răng miệng đúng cách, lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây nhiễm trùng. Khi bựa răng tích tụ ngày càng nhiều dưới vòm lợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể lại càng phải gắng sức chiến đấu chống lại vi khuẩn. Và như thế các độc tố kháng vi khuẩn và các chất enzyme trong cơ thể được sản sinh ra sẽ dần phá hủy hàm và các mô liên kết (những mô này có tác dụng định vị, giữa cho răng chắc). Lợi bị viêm sưng đỏ, chảy máu gây đau nhức, sưng má, răng miệng có mùi hôi khó chịu. Nếu viêm lâu ngày, lợi sẽ bị tụt xuống làm cho chân răng lộ ra ngoài trông rất xấu. Bệnh càng trầm trọng, những lỗ hổng này càng sâu, lợi và xương hàm bị phá hủy cành nặng, răng không còn chỗ bám nữa, sẽ trở nên lỏng lẻo và cuối cùng rụng ra.

III. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH:

Khi bị viêm lợi nặng nếu không kịp thời chữa trị sẽ chuyển thành bệnh nha chu, bị bệnh nha chu khiến bạn tăng nguy cơ mắc một số chứng bệnh nặng:

- Bệnh tim và đột quỵ: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy mối liên quan giữa vi khuẩn ở miệng với tắc động mạch và huyết khối, có thể dẫn đến cơn đau tim và đột quỵ. Một số nhà nghiên cứu thấy rằng những người bị bệnh nha chu dễ bị đau tim và đột quỵ hơn những người miệng bình thường. Bệnh nha chu càng nặng thì nguy cơ càng cao.

- Các biến chứng thai nghén: Bà mẹ bị viêm nha chu tăng nguy cơ đẻ non và đẻ con thiếu cân.

- Không kiểm soát được đường máu: Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị bệnh nha chu và các nhiễm khuẩn khác. Ngược lại, nhiễm khuẩn ở miệng khiến khó kiểm soát nồng độ đường máu hơn.

- Viêm phổi: Nếu bạn bị bệnh lợi nặng và có vấn đề về phổi, hít vi khuẩn từ miệng vào trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi.

- Loãng xương: Các nhà nghiên cứu nghi ngờ có mối liên quan giữa giảm mật độ chất khoáng xương xảy ra trong loãng xương và tăng nhạy cảm với vi khuẩn ở miệng. Nếu loãng xương làm cho xương ở miệng bị giảm mật độ, thì sự mất xương này có thể mở đường cho vi khuẩn làm lợi tách ra thêm và nguy cơ rụng răng. Đôi khi, bệnh lợi và rụng răng có thể là dấu hiệu của loãng xương.
 
IV. ĐIỀU TRỊ VIÊM LỢI:

Cần phải loại bỏ nguyên nhân là mảng bám răng và cao răng, người bệnh phải đến phòng khám để bác sĩ lấy sạch cao răng. Sau khi đã hết cao răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng. Bạn có thể điều trị tại NHA KHOA HAPPY SMILE một đợt,  Nếu bệnh nhân bị nặng, chảy máu lợi nhiều thì bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc kháng sinh.

Nếu viêm lợi tiến triển thành viêm nha chu, bạn sẽ cần điều trị nhiều hơn. Bác sĩ sẽ cố làm sạch những túi vi khuẩn giữa lợi và răng và cho bạn dùng kháng sinh. Trong viêm nha chu giai đoạn muộn, bạn có thể phải phẫu thuật.
 
V. PHÒNG BỆNH VIÊM LỢI:

    Chăm sóc răng miệng tại nhà bằng cách ăn uống đủ chất và đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Ngoài ra bạn cũng nên xỉa chỉ răng vì đánh răng chỉ chải sạch các bựa răng bám trên bề mặt những chiếc răng mà bàn chải với tới được, còn xỉa chỉ  răng có thể lấy đi những bựa và cao răng nằm ở khe giữa các răng và sâu dưới lợi. Cả hai biện pháp này là cách tự bảo vệ răng tại nhà tốt nhất. Nên đánh răng xoay tròn ở các mặt phía ngoài của răng để tránh làm tổn thương lợi.
    Súc miệng và uống nước sau khi ăn, nhất là sau khi ăn đồ ngọt.
    Đánh răng ngay sau khi ăn, hoặc ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
    Lựa chọn kem đánh răng có chứa fluor và các chất tốt cho răng, lợi
    Lựa chọn bàn chải đánh răng mềm, có thể đánh sạch cả những kẽ răng, những răng trong cùng mà không tổn thương đến lợI.
    Không dùng vật nhọn cứng chọc vào răng, gây ra khe hở chân răng, thức ăn thường hay giắt vào nơi đó gây viêm nhiễm.
    Không ăn nhiều đồ ăn ngọt, nước giải khát có đường đặc biệt trước khi đi ngủ.
     Lấy cao răng định kỳ hàng năm
    Không hút thuốc lá và uống rượu
     Không ăn những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, để tránh làm tổn thương men răng và lợi…
    Ngay khi bạn thấy những dấu hiệu bất thường trên răng và lợi, hãy lập tức đến khám nha sỹ. Sâu răng và viêm lợi càng được điều trị sớm, khả năng khỏi hoàn toàn càng cao.
    Sử dụng thường xuyên các thực phẩm tốt cho răng
    Đi khám định kỳ răng lợi 6 tháng/lần
    Đối với trẻ nhỏ, các bà mẹ nên lau lợi cho con bằng nước muối sinh lý từ khi chưa có răng.